Thánh Gioan Tông Đồ
Thánh GIOAN TÔNG ĐỒ
Gioan
là tông đồ yêu dấu, tông đồ tình yêu mà trong bữa tiệc ly đã dựa đầu
vào lòng Chúa Giêsu. Mọi điều Ngài viết là tình yêu. Nhưng Ngài cũng là
ngư phủ thô kệch hăng hái và bồng bột khi Chúa gọi làm môn đệ, đến nỗi
Chúa Giêsu gọi là "con cái sấm sét" (Mc 3,7).
Gioan
là ngư phủ ở Galilê, con của ông Giêbêđê và bà Salomê. Năm 20 tuổi,
Ngài là môn đệ của thánh Gioan tẩy giả đang giảng dạy trong sa mạc. Ngài
tìm kiếm sự hoàn thiện. Gioan tẩy giả đã thấy Chúa Thánh Thần xuống
trên Chúa Kitô và loan báo cho mọi người rằng Người ở giữa họ, nhưng
người ta không nhận biết Người. Ngày kia, Chúa Giêsu đi qua, Gioan tẩy
giả chỉ cho Gioan và Anrê: "Đây là chiên Thiên Chúa". Lập tức, hai ông
đã theo Chúa Giêsu.
Chúa
Giêsu đã yêu thương Gioan cách đặc biệt vì sự trong trắng, nhiệt tâm và
thành tín của Ngài. Ở trường học Thần Linh, Ngài tự biến đổi, thủ đắc
tinh thần hiền hậu, học được đức ái chân thật và tiến tới tinh thần hy
sinh. Gioan cùng với anh là Giacôbê, cũng như mỗi người đều tin rằng,
Chúa Giêsu sắp tái lập vương quyền và họ xin Người cho họ được giữ những
chỗ danh dự trong ngày vinh quang của thày. Nhưng Chúa Giêsu đã từng
nói vương quốc của Ngài không thuộc thế gian này và đã trả lời bằng việc
trao thánh giá cho họ: "Các con có thể uống chén Ta không ?" Đầy nhiệt
tâm, họ trả lời: "Dạ được". Như thế là họ biết rằng, việc chia sẻ vinh
quang sẽ tiếp sau việc chia sẻ đau khổ.
Suốt
ba năm sống công khai của Chúa Giêsu, Gioan không rời thày mình. Ngài
có mặt khi thầy làm phép lạ và tâm sự với thày bằng những lời mang lại
sự sống. Ngài đã thấy thầy chói sáng trên núi Tabor. Với kỷ niệm này,
Gioan viết rằng: "Chúng tôi đã thấy vinh quang Con Một Thiên Chúa Cha:
Chúa Giêsu đã chọn Ngài với Phêrô để dọn lễ Vượt qua, và trong bữa tiệc
ly, Chúa Giêsu đã nói những lời mà Gioan không bao giờ quên được. Ngài
sẽ ghi lại diễn từ ấy trong sách Phúc âm của mình.
Chỉ
có một mình Gioan trong số 12 tông đồ trung thành theo Chúa Giêsu tới
thánh giá. Ngài đứng cạnh Mẹ Maria. Chúa Giêsu đã nói với Mẹ Maria: "Này
là con bà", và với Gioan : "này là Mẹ con". Và mọi người đã trở thành
con mẹ trong con người của Gioan.
Sau
phục sinh. Maria Madalêna không thấy xác thày và hớt hả đi báo tin.
Tình yêu như chắp cánh thêm, Gioan đã chạy tới mồ trước, nhưng vì tôn
trọng thủ lãnh các tông đồ, nên đã dừng lại trước khi cúi nhìn mộ (Ga
20,1-8)
Vì
ngày sau, khi Gioan cùng với các môn đệ khác đi đánh cá, Chúa Giêsu
hiện ra. Được tình yêu soi sáng, Gioan đã nhận ra thày và thốt lên:
"Chúa đấy" (Ga 21,1-8)
Sau
khi nhận lấy Chúa Thánh Thần trong dịp lễ Ngũ Tuần, Gioan ở lại
Giêrusalem, người ta nghĩ rằng, Ngài sống với Đức Trinh nữ. Ngày kia,
Ngài cùng với thánh Phêrô vào đền thờ cầu nguyện. Một người què xin bố
thí, các tông đồ đã chữa lành anh ta (Cv 3,1-8). Các thủ lãnh bắt giam
các Ngài, cấm không được rao truyền danh Chúa Giêsu, các tông đồ đã trả
lời: "Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là loài người " (Cv
4,1-20). Một lần khác, Gioan bị bắt và bị đánh đòn, Ngài hãnh diện khi
thấy mình được chịu đau khổ vì Chúa Kitô.
Gioan
sống rất thọ và trải qua nhiều thử thách gian khổ. Những người chung
quanh không biết Chúa Kitô bớt lần. Chắc hắn Ngài sống ở Antiokia rồi ở
Ephêssô. Hoàng đế Domitianô đã truyền bách hại các Kitô hữu. Từ đây,
tường thuật không có mấy giá trị lịch sử. Sử sách kể lại rằng, khi biết
còn một môn đệ chót của Chúa Giêsu sống và giảng dạy ở Á Châu, ông
truyền đem về Roma để kết án tử. Người ta đánh đòn Ngài rồi dẫn tới cửa
La-tinh và dìm vào vạc dầu sôi. Thật lạ lùng, Ngài đi ra không hề hấn
gì. Quan án xúc động không dám hành hạ Ngài nữa và truyền đày ải ở đảo
Patnmô. Vị tông đồ rao giảng Tin Mừng và rửa tội cho dân trên đảo. Chính
ở đây mà Ngài có được thị kiến và lãnh mệnh lệnh ghi lại trong sách
"Khải huyền". Những cao siêu mà vị tông đồ vươn tới, đã làm cho Ngài
được ví như cánh chim phượng hoàng bay bổng trên trời cao. Dầu vậy, có
thể sách Khải huyền đã cho một môn đệ của Gioan viết.
Khi
hoàng đế bằng hà, những người bị lưu đày được gọi trở về, và Gioan trở
lại Ephêsô. Một kỷ niệm cảm động liên quan tới những chuyến hành trình
của Ngài. Trong một cuộc du hành, Ngài đã rửa tội cho một thiếu niên,
rồi trao phó cho vị giám mục sở tại. Nhưng khi trở về, Ngài được vị giám
mục buồn sầu cho biết rằng con trẻ này đã thành kẻ cướp. Lập tức, dầu
già nua, Gioan đã và cỡi ngựa đi tìm đứa con.
Khi
thấy Ngài, người đó chạy trốn. Vị tông đồ đuổi theo và khuyên nhủ : -
"Con ơi, tại sao con chạy trốn cha già không có khí giới ? Còn hy vọng
được cứu rỗi, cha sẽ vui lòng chết cho con như Chúa Giêsu sai cha đến
với con".
Tên
cướp xúc động ngừng lại, bởi khí giới: chàng khóc trong tay cha già
đang ôm chặt chàng vào lòng và dẫn chàng về với Giáo hội.
Gioan
trở thành ánh sáng vùng Tiểu á, đến lúc đó Ngài vẫn lớn tiếng giảng
dạy, nhưng những lạc thuyết đang lộ diện giữa Giáo hội sơ khai. Nhưng
kiến sĩ giả hiệu làm biến tính Phúc âm của thánh Matthêu, chối Chúa
Giêsu vừa là Chúa vừa là người. Để bác bỏ những sai lầm, vừa để bổ túc
ba Phúc âm đã xuất hiện, Ngài viết cuốn thứ tư, trong đó, tình yêu Chúa
Kitô đốt cháy lòng Ngài. Còn ba bức thư nữa thuộc về Ngài. Bức thư thứ I
tóm tắt trọn mạc khải: "Thiên Chúa là tình yêu". "Chúng ta biết rằng:
Thiên Chúa đã có, bây giờ chúng ta biết Ngài là ai. Ngài là cha yêu
thương ta hết lòng và đòi ta yêu nhau". Và hướng ta về thực tại không
thể kể ra được, Ngài nói: "các con thân yêu, ngay từ giờ này, chúng ta
là con Thiên Chúa, nhưng ngày mai chúng ta như thế nào thì chưa tỏ lộ
ra".
Về
già, không đi được nữa, Ngài được mang tới nhà thờ. Ngài thường lặp
lại: "các con hãy yêu thương nhau". Thấy Ngài nói mãi một điều, người ta
kêu ca và Ngài trả lời: "Đó là lệnh truyền của Chúa, và như vậy là đủ".
Thánh Gioan là bổn mạng các văn sĩ và mọi người cầm viết.